Để làm SEO hiệu quả, thì ít nhất, bạn phải tỏ ra là một nhà chiến
lược số hóa, một chuyên gia tiếp thị trên các mạng xã hội, một tay
chuyên viết lách nội dung, một người chuyên tối ưu hóa tỉ lệ chuyển đổi
cho website, và một chuyên gia về PR. Bỏ qua những phần liên quan
đến việc thiết kế web. Các SEOer vốn đã có thể làm những
việc này, tuy nhiên, trong hầu hết các công ty, vẫn còn có các tài năng
khác đang ngồi trong những nhóm khác nhau, hay thuộc những công ty khác
nhau. Chúng ta là ai mà dám gây rối toàn bộ hệ thống và xem nhẹ công
việc của quá nhiều người như vậy?
- Quy trình SEO hiệu quả
QUI TRÌNH LÀM SEO MỚI – Hiệu quả hơn
Khám Phá Cơ Hội
Khám Phá Cơ Hội là qui trình tìm hiểu kỹ càng về
các cơ hội phát triển của doanh nghiệp căn cứ vào mục đích kinh doanh,
khách hàng mục tiêu của họ, các yếu tố kỹ thuật của ngành và các hoạt
động trước đó của doanh nghiệp. Đó là một qui trình trong đó kiến thức
lĩnh hội của bạn ở bước này sẽ tiếp tục được cải thiện ở những bước khác
cũng trong qui trình đó.
+ Mục Tiêu Kinh Doanh
– Mọi nỗ lực làm việc phải hướng đến mục tiêu của thương hiệu. Điều này
đòi hỏi bạn phải hiểu biết tường tận vị trí của thương hiệu hiện nay
cũng như trong tương lai nó sẽ đi đến đâu. Hãy yêu cầu các thương hiệu nói rõ cho bạn biết.
+ Nghiên Cứu Thị Trường – Tại sao SEO luôn bị đổ lỗi
cho việc đã làm xáo trộn hệ thống web? Đơn giản vì có quá nhiều người
đã không xây dựng những nội dung có giá trị hay mang tính thiết thực cho
thị trường và người dùng.
+ Tìm Hiểu Khách Hàng – Facebook Ads là công cụ giúp tạo ra những mẫu quảng cá nhân hóa theo người dùng. Công cụ Doubleclick Ad Planner cũng rất có ích trong việc thu thập demographics của các website hiện hữu. Hiện nay, Facebook Insights cũng cung cấp cho bạn thông tin demographics của người dùng đã truy cập vào trang web hoặc Fanpages. Sản phẩm của qui trình này chính là: bạn sẽ có trong tay thông tin của một nhóm người dùng – hay còn gọi là Personas.
+ Phân Tích Dữ Liệu – Như thường lệ, bạn nên phân
tích dữ liệu có sẵn trên Analytics để tìm hiểu về những khách hàng truy
cập vào website. Hãy nghiên cứu kĩ hơn về khả năng, hiệu suất của từ
khóa, đặc biệt nên phối hợp với những dữ liệu được tìm kiếm trên trang web của bạn (internal Search), để xác định cơ hội phát triển của từ khóa.
Tóm lại, phương cách này cũng không khác biệt là mấy so với cách thông
thường nếu khách hàng của chúng ta không tiến hành tìm hiểu khách hàng
của họ, để qua đó giúp ta nhận biết được đối tượng họ muốn thu hút có
thật sự hướng đến họ hay không.
+ Lắng Nghe Cộng Đồng – Dùng cụm từ khóa chính, theo
dõi và thu thập dữ liệu của người dùng đã tiếp cận website của mình
thông qua từ khóa đó. Tiến hành theo dõi và xác nhận thông tin người
dùng, demographics cũng như nhu cầu thực sự của họ trong các cuộc trò
chuyện trên mạng như diễn đàn, Facebook, Google+,… Tất nhiên bạn cũng
nên theo dõi xem những người dùng này đã sử dụng từ khóa như thế nào,
vì điều này sẽ giúp bạn loại bỏ những từ không cần thiết trong cụm từ
khóa của bạn, giúp tạo ra cụm từ hiệu quả mà người dùng thường dùng khi
tiến hành tìm kiếm trên mạng.
+ Phân Tích Định Lượng – Các dịch vụ lớn như ComSore, Quantcast, Forrester Research,
v.v…, luôn theo dõi thông tin người dùng đã để lại qua demographics khi
họ tiến hành tìm hiểu những vấn đề cụ thể nào đó. Tăng cường việc theo
dõi, đọc những bản báo cáo như thế này giúp bạn có được kiến thức uyên
sâu hơn về các loại khách hàng thường truy cập trang đối thủ của bạn,
cũng như đang hiện hữu trong thị trường.
+ Phân Tích Từ Khóa – Phân Tích Từ Khóa nhưng phải
hướng đến nhu cầu của khách hàng, vì điều này không chỉ quyết định liệu
từ khóa của bạn có khả thi và ăn khớp với quan điểm của những người tìm
kiếm hay không, mà còn xác định liệu ý nghĩa từ khóa bạn dùng có phù hợp với mục đích kinh doanh của thương hiệu hay không.
Từ khóa phải tương quan với các mẫu personas mục tiêu cũng như nhu cầu
thiết thực của khách hàng, buộc chúng ta phải xây dựng những nội dung
tối ưu trước hết nhắm đến khách hàng, sau đó mới nhắm đến bộ máy tìm kiếm.
+ Site Audit (Phân Tích SEO) – Dưới cái nhìn của Qui Trình Làm SEO Mới, Site Audit trở nên hoàn toàn dễ hiểu, vì nó đã giải quyết được những vấn đề liên quan đến UX (User Experience – kinh nghiệm người dùng) mà lẽ ra thường là CRO Audit
(phân tích tối ưu hóa tỉ lệ chuyển đổi). Nói rõ ràng hơn, bảng phân
tích SEO sẽ chạm đến những thứ đã gây cản trở sự chuyển đổi vì không phù
hợp với khách hàng mục tiêu căn cứ trên những kĩ thuật SEO chuẩn mực
lâu nay.
+ Tài sản – Một chuyên gia SEO sẽ nghiên cứu được
thương hiệu đó đang nắm giữ cái gì và có sẵn lòng dùng nó để thúc đẩy
lợi ích của chiến dịch hay không.
+ Phân Tích Nội dung – Nội dung nào trên các trang của chúng ta nên được viết lại, cải thiện và nâng cấp?
+ Mối Quan Hệ Của Thương Hiệu – Thương hiệu này có quan hệ tốt với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, sự kiện nào?
+ Tài nguyên – Giải thưởng, sản phẩm độc quyền, nguồn tài nguyên nào mà thương hiệu đang nắm giữ?
+ Phân tích đối thủ – Thông thường, kết quả của việc
phân tích đối thủ là một tài liệu rất có giá trị trong một lĩnh vực cụ
thể nào đó. Sự khác biệt ở đây đó là, trong khi Site Audit hướng đến
khách hàng, bước phân tích đối thủ lại tập trung tìm hiểu làm thế nào
những thương hiệu khác có thể nắm bắt được khách hàng của họ.
+ Kế hoạch đo lường đánh giá – Công việc này cần
phải có sự kết hợp giữa người phân tích và viết các kế hoạch đo lường
đánh giá dựa trên bảng Mục Tiêu Đề Ra và KPI liên quan đến mục tiêu kinh
doanh và khách hàng của họ.
Chiến Lược Phát Triển Nội Dung
Là nơi các tài năng viết lách, sáng tạo cùng tập trung làm việc, nên
tình trạng bất đồng giữa họ luôn xảy ra. Những người sáng tạo luôn muốn
mạo hiểm với những ý tưởng lớn lao của họ trong khi nhà quản lí thương
hiệu chỉ muốn quảng cáo. Để có thể hợp tác, chúng ta nên chứng minh cho họ thấy
các ý tưởng về nội dung của mình rất phù hợp với đối tượng khách hàng
mục tiêu của thương hiệu và đảm bảo nội dung sẽ được thiết kế theo phần
trình bày rõ ràng của chúng ta trước đó.
+ Ý Tưởng Về Nội Dung – Với những dữ liệu ta thu
thập được từ việc lắng nghe cộng đồng ở trên để tìm nội dung phù hợp với
từ khóa, bây giờ chúng ta có thể đưa ra các ý tưởng để viết nội dung
hướng đến khách hàng mục tiêu của thương hiệu.
+ Thiết Kế Wireframes – là một mẫu thiết kế cơ bản trong tiến trình thiết kế website
nơi chúng ta cùng đưa ra những quan điểm về SEO lẫn CRO để đội ngũ
design thiết kế thành một website hoàn chỉnh. Nên theo dõi sát sao giai
đoạn này.
+ Thiết kế web – Sau khi đã đưa ra các quan điểm của
mình, đây là lúc để những người design được tự do với những ý tưởng
sáng tạo của riêng họ. Nếu họ đưa ra một thiết kế không giống như thỏa
thuận so với lúc ban đầu, đừng lo, bạn vẫn có trong tay dữ liệu ở các
bước trên để đối chiếu và yêu cầu họ thực hiện cho đúng.
Phát Triển Kỹ Thuật
Kỹ thuật làm SEO là vấn đề lớn đã được công nhận nên bạn không thể
không chú tâm đến nó, đây là giai đọan chúng ta đảm bảo “cấu trúc của
một website” đã hợp lí hay chưa.
+ Lập trình website
– Về bước này, chúng ta đã nỗ lực làm những gì có thể ở các bước trên,
giờ chỉ việc đợi xem những lập trình viên sẽ làm việc ra sao. Chúng ta
đã nêu rõ quan điểm và những yếu tố cần thiết trong giai đoạn thiết kế
wireframe và xây dựng CMS (hệ thống quản trị nội dung), nhưng thường thì
đội kỹ thuật sẽ làm theo ý của họ. Chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi họ
cho xem kết quả là một website sau khi được lập trình xong.
+ Đánh giá kết quả thiết kế – Chúng ta luôn phải
kiểm tra đi kiểm tra lại sản phẩm của nhóm kỹ thuật. Bảng đánh giá kết
quả thường liệt kê lại thật súc tích những vấn đề được phát họa trong
site audit và wireframe để nhận định liệu chúng đã được làm đúng theo
thỏa thuận ban đầu hay chưa. Đây là minh chứng rõ ràng nhất chỉ ra rằng,
nguyên nhân gây đình trệ chẳng dính dáng gì đến những người làm SEO như
chúng ta, mà thường là do nhóm lập trình – và họ vẫn luôn như vậy.
Chiến Lược Mạng Xã Hội
Trong quy trình SEO cũ, việc xây dựng liên kết rất đơn giản, nhưng
trong quy trình SEO mới này, đòi hỏi việc xây dựng liên kết ở phạm vi
rộng hơn. Trong khi những chiến dịch xây dựng liên kết có giá trị thấp
như bình luận trên các blog vẫn đang được tiếp diễn, thì vẫn có những
chiến lược khác hiệu quả hơn nếu biết tận dụng lực đẩy thông qua PR và
mạng xã hội. Bằng cách tận dụng các lực đẩy một cách có chủ đích, bạn có
thể đưa trang web của bạn lên các mạng xã hội khác nhau theo kiểu chéo
kênh (cross-channel), như vậy, tốc độ xuất hiện link diễn ra tự nhiên
hơn dưới con mắt của bộ máy tìm kiếm và kết quả đạt được sẽ rất cao.
Trong khi việc xây dựng liên kết hướng đến các mạng lưới rộng lớn, thì
chiến lược mạng xã hội lại tập trung đến các mạng lưới vừa rộng lớn
nhất, vừa chất lượng nhất.
+ Chiến Lược Tạo Link – Việc tạo liên kết đối với hầu hết các công ty, mà cụ thể là những công ty nhỏ, không đơn giản chỉ là “nếu bạn xây dựng link, người ta sẽ truy cập, hoặc bộ máy tìm kiếm sẽ đánh giá cao nó”. Chính vì vậy, bạn không thể chỉ giới thiệu nội dung, rồi ngồi chờ đợi kết quả tốt nhất được, chúng ta nên tiếp tục bổ sung nội dung mới để bổ trợ cho nội dung chính, tỏ ra vượt trội và gửi link cho bộ máy tìm kiếm một cách thủ công (qua công cụ Crawl URL của Google cũng là một cách).
+ PR – Một mẩu tin tức luôn được đánh giá có chất
lượng hơn một mẩu quảng cáo, thế nên, vấn đề trọng tâm của chiến lược
cho mạng xã hội là phải tạo ra tin tức. Người dùng thường dành phần lớn
thời gian trong ngày để đọc tin, chia sẻ và kết nối thông tin, thế nên
chiến lược xã hội phải tập trung đảm bảo rằng, nội dung mình đăng tải
phải có giá trị và tiến hành đăng chúng ở những nơi khách hàng hay đọc
nhất.
+ Tổ Chức Thi – Tổ Chức Thi là cách tuyệt vời theo
kiểu bạn thả con tép nhưng bắt được con tôm. Bạn có thể đưa ra các giải
thưởng để thu hút người dùng như sử dụng sản phẩm miễn phí, hoặc thưởng
tiền để khuyến khích khách hàng tham gia vào các cuộc thi như viết bài
rồi đăng trên blog của họ về chủ đề thương hiệu đưa ra và có dẫn kèm
đường link. Cũng nên thêm vào một vài điều kiện nho nhỏ như, người viết
sẽ thắng cuộc nếu bài viết của họ được chia sẻ hoặc Like nhiều lần trên
các mạng xã hội. Ngay tại thời điểm tôi viết nội dung này, thì cũng có
nhiều đơn vị đang tổ chức các cuộc thi như thế, vd: Ngoisao.net (thi viết “Người Phụ Nữ Tôi Yêu”), Fblog (thi viết “Tôi Blog”)…
+ Tổ Chức Sự Kiện – Tổ chức một party, hội thảo cũng
là cách thức bỏ 1 thu 10 trong chiến lược xây dựng liên kết. Chỉ cần
đơn giản tổ chức một sự kiện và mời những nhân vật có tầm ảnh hưởng đến
khách hàng của bạn tham gia với điều kiện họ phải viết blog về sự kiện
này và gửi link về cho bạn.
+ Mạng Xã Hội – là một cách thức hai chiều. Đó không
chỉ là nơi khám phá thông tin mà còn là nơi trao đổi thông tin. Hãy tận
dụng thông tin trao đổi để tìm ra nhân vật có tầm ảnh hưởng trong phạm
vi liên quan đến khách hàng mục tiêu cũng như mục đích kinh doanh. Hãy
khéo léo tạo ra những profile đáng tin cậy nhưng cũng không kém phần lôi
cuốn trên mạng xã hội, giúp bạn dễ dàng chia sẻ nội dung và biến đổi
những “tay” hay chia sẻ thành những “tay” đi xây dựng link cho bạn. Từ
đầu năm đến này, có rất nhiều thông tin nói rằng năm 2012 Google sẽ đánh
giá cao các mạng xã hội, ý kiến của tôi là dù Google có đang nhắm đến
mục tiêu nào đi chăng nữa, thì biểu đồ xã hội cũng không bao giờ có thể
thay thế hoàn toàn biểu đồ link.
+ Thực thi – là giai đoạn tổng hợp lại tất cả các giai đoạn trong chiến lược mạng xã hội trên để đạt được sức mạnh cao nhất.
Đo lường, đánh Giá
Không chỉ đơn giản để đánh giá xem chúng ta đạt được mục tiêu đề ra hay chưa. Vấn đề ở đây là, bạn phải hiểu lý do tại sao đánh giá lại là bước đi quan trọng nhất trong tiếp thị trực tuyến.
Đánh giá trên cơ sở khách hàng sẽ giúp bạn hiểu thấu đáo lý do tại sao,
thay vì chỉ nói đến những khái niệm trừu tượng như tỉ lệ bounce rate
của từ khóa,v.v. Sau tất cả những khả năng đánh giá hữu hình này bạn sẽ
nhận ra, tại sao tiếp thị số lại hiệu quả hơn so với cách truyền thống.
+ Báo Cáo
– phải luôn thay đổi thích ứng theo mục tiêu của thương hiệu. Chẳng có
mẫu báo cáo nào có thể dùng đi dùng lại ngày này qua tháng nọ cả. Ví dụ
như, mục đích của thương hiệu là muốn người dùng phân khúc A xem một
đoạn video, vì vậy, số liệu thống kê ban đầu nên báo cáo về Time On Site
và các loại persona so sánh với lưu lượng và từ khóa. Xếp hạng chỉ quan
trọng khi chúng tác động đến lưu lượng mà thôi. Mọi hành động nên tập
trung vào những những người dùng phân khúc A.
+ Báo Cáo Link – Bản báo cáo thứ hạng tổng thể nên
được viết một cách rõ ràng, bao gồm cả những liên kết đã được xây dựng
từ các kênh, qua đó cho thương hiệu thấy chúng ta đã thay họ làm được
những việc gì. Việc công khai những liên kết đã xây dựng được với khách
hàng là một vấn đề lớn đối với đa số các công ty làm SEO ở Việt Nam, vì
họ xây dựng link theo nhiều các khác nhau: whitehat, blackhat, liên kết
kém chất lượng, không liên quan đến nội dung, spam,… đó chính là những
lý do tại sao các công ty này thường rất mập mờ khi được yêu cầu cung
cấp thông tin chi tiết.
Tối Ưu Hóa
Tối ưu hóa là một công việc hầu như không có hồi kết, nó đòi hỏi tính
liên tục và liên tục theo sự phát triển của công nghệ, sự phát triển
của nội dung, các dịch vụ trên website của bạn, theo chu kỳ thời gian,…
đòi hỏi bạn phải cập nhật, tiếp thu kiến thức mới sau đó đem nó áp dụng
lên website của mình.
+ Tối ưu hóa tỉ lệ chuyển đổi (CRO) – Tuy CRO đã
được áp dụng trong chiến lược này ở các phần trên, bản thân nó chỉ chiếm
một vị trí nhất định. Vì SEO cũng có thể là CRO, chúng tương đối giống
nhau đến nỗi khó có thể được tối ưu hóa hợp lí. Về bước này, nhưng
chuyên gia tối ưu hóa CRO nên tiến hành làm các bài kiểm tra như A/B
Tests, Usability Tests,v.v… sau đó cập nhật vào các bạn báo cáo, đánh
giá để cải thiện.
+ Tiếp Tục Làm SEO – Hãy tiếp tục quy trình và làm từ đầu!
ƯU ĐIỂM CỦA QUI TRÌNH SEO MỚI
Trang Web chất lượng hơn
Khi bạn có một website chất lượng, người dùng sẽ là đối tượng hưởng
lợi nhiều nhất. Đương nhiên, công ty của chúng ta cũng thu được lợi
nhuận lớn, cho nên chúng ta phải ghi nhớ càng hướng đến khách hàng để
tối ưu hóa, nhu cầu của khách hàng càng được thỏa mãn, thì khi đó chúng
ta càng dễ dàng khiến họ chuyển đổi. Luôn hướng đến khách hàng trong
suốt cả qui trình và vạch ra mục tiêu trọng tâm để khuyến khích họ tương
tác để tạo ra một website ngày càng chất lượng hơn. Vì tất cả những gì
chúng ta làm đều hướng đến người dùng và nỗ lực đó luôn được coi trọng
đối với bộ máy tìm kiếm.
Uy tín thương hiệu
Hãy so sánh 2 câu ví dụ bên dưới, khi chúng tôi nói tư vấn cho Unilever về nhãn hàng kem đánh răng PS:
“Sau khi nghiên cứu từ khóa và sàng lọc bằng các công cụ phân
tích từ khóa, chúng tôi sẽ xây dựng nhiều liên kết cho các từ khóa đó để
website quý khách có thể xếp hạng trong top 10, từ đó gặt hái được thứ
hạng cao hơn cho nhãn hàng kem đánh răng PS trên Google khi người dùng
search các từ khóa đó.”
với:
“Chúng tôi muốn tổ chức một cuộc thi nhắm vào các bạn có hơn 3000
fans trên Facebook. Để tham gia, họ phải viết một bài và đăng trên wall
của họ về việc bị ê buốt răng và có liên kết đến trang của chúng ta để
thúc đẩy lượng truy cập của các đối tượng mục tiêu mà công ty quý khách
muốn nhắm đến khi họ sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm thông tin về ê buốt
răng.”
Cả hai cách nói trên, cuối cùng cũng đạt được mục đích như nhau, tuy
nhiên, với cách nói đầu tiên, bạn phải tốn công giải thích cặn kẽ cho
khách hàng hiểu chi tiết các bước, bạn sẽ phải làm những gì và kết quả
là bạn sẽ phải làm việc khá vất vả. Trong khi đó, cách nói thứ hai nói
về chiến dịch xây dựng liên kết hướng đến khách hàng mục tiêu và mục
tiêu kinh doanh của thương hiệu, sau đó phát họa một chiến dịch mà trong
đó, thương hiệu sẽ để cho nhóm SEO của chúng ta tự do thực hiện. Thấu
hiểu được mục tiêu kinh doanh và khách hàng của thương hiệu giúp chúng
ta dễ dàng phát triển và đưa ra những chiến lược hợp lí.
SEO là một ngành công nghiệp chứng tỏ bản thân thông qua các kết quả
dữ liệu thực tế. Với khách hàng, rất dễ để mang lại uy tín cho những
người làm SEO chúng ta nói chung và thương hiệu của công ty chúng ta nói
riêng. Vì thế cho nên, khi chúng ta đưa ra những khuyến nghị, tư vấn,
diễn giải và chứng minh được việc áp dụng những tư vấn đó lên các người
dùng mục tiêu của các khách hàng của chúng ta sẽ đạt được các kết quả
tốt ra sao, họ sẽ tin tưởng vào chúng ta.
Tăng Tính Linh Hoạt
Quy trình này được sự kết hợp nhịp nhàng của các bộ phận khác nhau,
cho nên sẽ nhận được nhiều ý kiến, nhận xét và điều chỉnh linh hoạt khi
thực thi, kết quả của nó sẽ tạo được một tiếng vang đáng kể cho các
thương hiệu với người dùng cho dù nó nhỏ hay lớn.
Tối Ưu Hóa Chéo Kênh
Kiến thức và những thành công trong quy trình SEO trên có thể gây ảnh
hưởng đến các kênh khác. Hãy tưởng tượng nhé, nhờ lắng nghe cộng đồng,
phân tích từ khóa và tiến hành đánh giá, chúng ta phát hiện rằng rất
nhiều khách hàng mục tiêu đang tìm kiếm “áo thun cặp”, nhưng ngặt ở chỗ, công ty đó chỉ bán áo cho nam hoặc nữ. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đó có cơ hội mở rộng kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và tăng doanh thu bằng cách bán thêm cả áo cặp.
Hiệu quả
Đánh giá dựa trên các thông tin của người dùng và khách hàng, đã mang
lại cho chúng ta một cách thức mới, giúp xác định hiệu suất của chiến
dịch. Phương cách đánh giá thật sự dẫn đến thành công không phải vị trí
xếp hạng hay lưu lượng truy cập, mà website tạo ra đã đáp ứng nhu cầu của khách truy cập
như thế nào. Chúng ta theo dõi tỉ lệ chuyển đổi dựa trên những hành
động khách hàng, đó là tiêu chuẩn đo lường duy nhất. Kết quả tổng thể
của một chiến dịch là những gì thương hiệu quan tâm, chứ không phải một
cụm từ khóa nào đó.
Content is King, Usability is Queen
Trước đây, trong SEO mọi người đã tuyên bố “Content is King, Link is Queen”
trong nhiều buổi hội thảo, nhưng theo những phân tích trên của tôi, đặc
biệt là thời điểm hiện tại và tương tai, tôi muốn thay đổi tuyên bố kia
thành “Content is King, Usability is Queen“. Bởi vì Link chỉ hỗ trở cho bạn về mặt tăng thứ hạng tìm kiếm, có thể thêm cả lượt truy cập. Như tôi nói ở dưới: Vị trí #1 chỉ mới đưa người dùng đến cửa nhà bạn; nhưng không có nghĩa vì nó mà người ta chịu ở lại nhà bạn.
Đối với Usability thì khác, khi vào đến website của bạn hay cánh của
nhà bạn, họ có ở lại đó đặt hàng hoặc liên hệ với bạn không, đó mới
chính là vấn đề chính chúng ta cần hướng đến, và đó cũng chính là mục đích của chúng ta trong mọi quá trình làm SEO. Tôi tuyên bố quan điểm của mình như vậy, bạn có ý kiến gì không? Nếu có hãy comment bên dưới và chúng ta cùng thảo luận nhé.
BẠN SẼ LÀ NGƯỜI VIẾT ĐOẠN KẾT…
Sau khi viết xong, tôi nghĩ liệu kiến thức trong quy trình này có nên
áp dụng cho những công ty nhỏ hay không, bởi vì những công ty nhỏ
thường chỉ quan tâm đến vị trí số #1 và lúc nào cũng “tập trung” vào vị
trí xếp hạng mà thôi. Theo quan điểm của tôi, vị trí #1 không phải là
mục tiêu, nhưng là phương tiện đưa bạn đến thành công trọn vẹn. Vị trí #1 chỉ mới đưa người dùng đến cửa nhà bạn; nhưng không có nghĩa vì nó mà người ta chịu ở lại nhà bạn.
Điều cuối cùng tôi muốn nói là, hy vọng qui trình làm SEO mới này sẽ
là một làn gió mới, khuyến khích chúng ta nên kết hợp với các kênh khác,
đưa ra những chiến lược phù hợp và dễ hiểu hơn cho các thương hiệu. Qui
trình làm SEO mới này không nhằm mục đích cố thích nghi với bất cứ
thuật toán nào, nó nhắm đến việc thỏa mãn nhu cầu của những người dùng
mà chính các thuật toán này đang phục vụ. Nó sáng tạo cũng như khám
phá những điều cần thiết để thỏa mãn khách hàng, một tiêu chí mà doanh
nghiệp nào cũng muốn hướng tới, nó hoàn thành những đòi hỏi kĩ thuật cần
thiết để nhận lấy kết quả tốt nhất, nó tập trung nghiên cứu cụm từ khóa
mà khách hàng mục tiêu của bạn có xu hướng dùng để tối ưu hóa chúng một
cách hiệu quả nhất. Và quan trọng nhất là, SEO đã trở thành một công cụ tiếp thị hiệu quả của marketing mix, không còn là một dịch vụ đơn lẽ nữa. Tất nhiên SEO vẫn là “Một phép tính của marketing” đầy khó hiểu, nhưng đến lúc để chứng tỏ cho các thương hiệu thấy rằng, sức mạnh và kết quả mà SEO mang lại lớn như thế nào.